Các sản phẩm mỹ phẩm từ trang điểm, chăm sóc da cho đến sản phẩm làm tóc đều được tạo nên bởi rất nhiều các thành phần khác nhau. Nhưng bạn có thật sự hiểu rõ về những thành phần này liệu có an toàn khi sử dụng hay không? Có khả năng gây ung thư, hoặc ảnh hưởng đến gen hay không? Trong bài viết này, Beaudy.vn sẽ giới thiệu đến các bạn về tổ chứ Cosmetic Ingredients Review (viết tắt là CIR) – là một trong những tổ chức uy tín quốc tế nơi hội tụ của các nhà khoa học nổi tiếng thế giới, bác sĩ da liễu, nhà nghiên cứu bệnh học, nhà độc chất học và nhà hóa học để thực hiện đánh giá các thành phần riêng lẻ trong mỹ phẩm một cách độc lập nhất.
- CIR là gì?
- Sứ mệnh của tổ chức CIR
- Cơ chế đánh giá của tổ chức CIR
- Thang điểm đánh giá của CIR
- Quy đổi thang điểm đánh giá của CIR theo tiêu chuẩn của SkinCarisma
- Quy đổi thang điểm đánh giá của CIR theo tiêu chuẩn của Beaudy.vn
- Mức độ uy tín và chính xác trong kho tài liệu của CIR
- 1. Liên kết với nhiều tổ chức lớn liên quan đến mỹ phẩm và sức khỏe người dùng trên thế giới
- 2. Nghiên cứu được tham khảo từ những nguồn thông tin uy tín
- 3. Kết quả dựa trên thí nghiệm lâm sàng
- 4. CIR có đội ngũ quy tụ những chuyên gia đầu ngành
- 5. Báo cáo của CIR cung cấp thông tin rất chi tiết, toàn diện
- 6. Có các báo cáo chuyên sâu, nền tảng
- Cách tra cứu thành phần mỹ phẩm trên website của CIR
- CIR mang đến lợi ích thực tế gì?
- Những hạn chế đối với CIR
CIR là gì?
CIR là tên viết tắt của Cosmetic Ingredients Review, đây là một tổ chức chuyên nghiên cứu và đánh giá các thành phần mỹ phẩm riêng lẻ. Tổ chức này được thành lập vào năm 1976 tại bang Washington D.C của Mỹ bởi Hiệp hội Thương mại Công nghiệp (hiện là Hội đồng Sản phẩm Chăm sóc Cá nhân- the Personal Care Products Council). Bên cạnh đó CIR cũng nhận được sự hỗ trợ của FDA (cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và Liên đoàn người tiêu dùng tại Mỹ.
CIR chỉ có duy nhất một website chính thức là https://www.cir-safety.org/ , đây là nơi mà tổ chức này công bố các tài liệu đánh giá các thành phần, tài liệu tóm tắt về các cuộc hội thảo về thành phần trong mỹ phẩm. Mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức nhưng CIR có một đội ngũ và hội đồng chuyên gia độc lập. Những thành viên này sẽ nghiên cứu và đánh giá mức độ an toàn của thành phần mỹ phẩm theo một quy trình riêng và được công nhận bởi các tổ chức liên quan.
Website chính thức của tổ chức CIR : https://www.cir-safety.org/
Sứ mệnh của tổ chức CIR
Từ khi thành lập phương hướng chính của CIR là nghiên cứu các hoạt chất được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, đánh giá mức độ an toàn, đối tượng phù hợp và những cảnh báo liên quan đến hoạt chất đó. Tất cả các thành phần được CIR đánh giá một cách riêng lẻ và độc lập chứ không dựa trên bất cứ bảng thành phần hay sản phẩm mỹ phẩm cụ thể nào cả, công khai và không thiên vị.
Cơ chế đánh giá của tổ chức CIR
Cơ chế đánh giá được thực hiện bởi Hội đồng chuyên gia đánh giá – thực hiện đánh giá mức độ an toàn của từng thành phần được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm thông qua việc xem xét nghiêm túc các thông tin có sẵn công khai và dữ liệu được gửi. Ngoài ra các chuyên gia phân tích cao cấp sẽ tiến hành các thí nghiệm kín, các bài test chuyên sâu liên quan đến các hoạt chất được sử dụng trong mỹ phẩm.
Hội đồng chuyên gia gồm 7 thành viên, ngoài sự có mặt của Chủ tịch và Giám đốc điều hành thì hội đồng còn có sự tham gia của các bác sĩ da liễu đến từ Viện Hàn Lâm da liễu Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu độc học, khoa học công nghệ, chuyên gia về mỹ phẩm.
Kết quả đánh giá sau đó sẽ báo cáo với Hội đồng và công khai kết quả nghiên cứu trên website chính thức.
Thang điểm đánh giá của CIR
Căn cứ vào báo cáo đánh giá của CIR – Cosmetic Ingredient Review – Tháng 09 năm 2022, thang điểm đánh giá của CIR được chia thành 6 thang điểm như sau:
- S – safe in the present practices of use and concentration : an toàn khi sử dụng theo nồng độ của hoạt chất được đánh giá;
- SQ – safe for use in cosmetics, with qualifications : An toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm, với các tiêu chuẩn được tuân thủ;
- I – the available data are insufficient to support safety : dữ liệu sẵn có không đủ để đánh giá sự an toàn;
- Z – the available data are insufficient to support safety, but the ingredient is not used : dữ liệu có sẵn không đủ để chứng minh tính an toàn;
- U – the ingredient is unsafe for use in cosmetics : thành phần không an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm;
- UNS – ingredients for which the data are insufficient and their use in cosmetics is not supported: các thành phần không đầy đủ dữ liệu và việc sử dụng thành phần này trong mỹ phẩm không được hỗ trợ để đánh giá;
Quy đổi thang điểm đánh giá của CIR theo tiêu chuẩn của SkinCarisma
Để tiện cho người dùng trong quá trình tìm hiểu về các thành phần có trong mỹ phẩm, hầu hết các nơi khi sử dụng dữ liệu đánh giá CIR đã tiến hành quy đổi thang điểm đánh giá của CIR thành 3 mức độ an toàn. Việc quy đổi và đơn giản hóa thang điểm giúp cho người dùng dễ dàng tìm kiếm và nắm bắt thông tin về hoạt chất hơn, đồng thời cũng sẽ tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin của các loại hoạt chất có trong mỹ phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Cụ thể ba mức độ đánh giá tham khảo tại skincarisma.com như sau:
- A – An toàn : các thành phần được xếp trong nhóm này là các hoạt chất an toàn cho mọi loại da, nguy cơ kích ứng, dị ứng là cực kỳ thấp, không có khả năng gây ung thư, không ảnh hưởng đến gen.
- B – Nguy cơ trung bình : khi được xếp vào nhóm này có nghĩa là các hoạt chất vẫn an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm nhưng về khả năng nguy cơ kích ứng, dị ứng của các thành phần trong nhóm B sẽ cao hơn so với nhóm A, tuy nhiên an toàn khi sử dụng được dưới chỉ định của những người có chuyên môn, hoặc điều chế trong công thức không gây kích ứng và có những cảnh báo an toàn sản phẩm. Hoặc chỉ gây kích ứng ở trong một số sản phẩm cụ thể.
- C – Nguy cơ cao : khi ở trong nhóm C đồng nghĩa với hoạt chất đó có khả năng kích ứng dị ứng cao, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, yếu tố gen, độc tính. Những thành phần này sẽ bị hạn chế sử dụng tự do hoặc có thể là bị cấm sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và tuân thủ theo quy định sử dụng an toàn đối sản phẩm chứa thành phần này do các tổ chức công bố.
- N/A : Chưa đủ dữ liệu đánh giá/ chưa được đánh giá.
Quy đổi thang điểm đánh giá của CIR theo tiêu chuẩn của Beaudy.vn
Tuy nhiên với cách quy đổi trên thì SkinCarisma cũng chưa công bố điểm quy đổi A,B,C, N/A sẽ tương ứng với điểm S, SQ, I, Z, U, UNS như thế nào. Do đó, căn cứ vào dữ liệu sẵn có CIR, Beaudy.vn sẽ quy đổi thành 4 thang điểm tương ứng với 6 mức độ đánh giá của CIR như sau:
- A – An toàn : Thành phần này an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm (tương ứng với mức độ S của CIR).
- B – Nguy cơ trung bình : Thành phần này an toàn khi sử dụng và tuân thủ theo tiêu chuẩn được các tổ chức công bố đối với hoạt chất cụ thể (tương ứng với mức độ SQ của CIR).
- C – Nguy cơ cao : Thành phần không an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm (tương ứng với mức độ U của CIR).
- N/A – Chưa đủ dữ liệu/chưa đánh giá : Chưa đủ dữ liệu sẵn có để đánh giá sự an toàn / chưa thực hiện đánh giá (tương ứng với mức độ I, Z, UNS của CIR).
Mức độ uy tín và chính xác trong kho tài liệu của CIR
Trên tất cả thì có lẽ độ uy tín là điều được nhiều người quan tâm hơn cả. Sẽ có rất nhiều lý do giúp cho CIR đứng vững và có được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong hơn 40 năm qua với những lý do sau:
1. Liên kết với nhiều tổ chức lớn liên quan đến mỹ phẩm và sức khỏe người dùng trên thế giới
Lý do đầu tiên chính là tổ chức này đã và đang liên kết với nhiều tổ chức lớn liên quan đến ngành mỹ phẩm và sức khỏe người dùng trên thế giới, trong đó có cả FDA. Bên cạnh đó còn có các tổ chức đại diện cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và nhiều thành viên hợp tác cùng chia sẻ dữ liệu. CIR cũng cùng chia sẻ dữ liệu với nhiều tổ chức khoa học uy tín, từ đó đảm bảo thông tin được kiểm chứng kỹ lưỡng bởi nhiều bên và đảm bảo tính khách quan khi đánh giá hoạt chất, thành phần.
2. Nghiên cứu được tham khảo từ những nguồn thông tin uy tín
Điểm thứ hai tạo nên sự tin tưởng mà người dùng dành cho CIR đó là những đánh giá và nhận định của tổ chức này không phải đánh giá một chiều mà có sự tham khảo dữ liệu từ nhiều tổ chức y khoa lớn hoặc các chương trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế ví dụ như Viện An toàn và Sức khỏe Nghề Nghiệp Quốc Gia…
Các trang web và các nguồn mà CIR thường xuyên tìm kiếm thông tin có thể áp dụng cho việc chuẩn bị đánh giá an toàn được xác định và công khai ở trên website, điển hình như :
- FDA databases: http://www.ecfr.gov/cgi-bin/ECFR?page=browse
- FDA search databases: http://www.fda.gov/ForIndustry/FDABasicsforIndustry/ucm234631.htm;,
- Dr. Duke’s: https://phytochem.nal.usda.gov/phytochem/search
- IFRA (International Fragrance Association): http://www.ifraorg.org/
Bạn có thể truy cập vào link bên dưới để tìm hiểu tất cả các nguồn thông tin CIR tham khảo nhé:
https://www.cir-safety.org/sites/default/files/Search%20Engines%20and%20Websites.pdf
3. Kết quả dựa trên thí nghiệm lâm sàng
Điểm thứ ba là các kết luận mà CIR đưa ra không chỉ dựa trên căn cứ suy nghĩ hay nhận định cá nhân mà dựa vào các bài test, các thí nghiệm lâm sàng từ cơ bản đến chuyên sâu, sau đó mới đưa ra kết luận. Chỉ cần nhìn vào file tài liệu mà CIR cung cấp cũng có thể thấy những thông tin này đã được diễn đạt kỹ lưỡng dưới dạng văn bản, bảng dữ liệu.
4. CIR có đội ngũ quy tụ những chuyên gia đầu ngành
Và hơn thế nữa, đội ngũ chuyên gia của CIR là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học uy tín trên thế giới, đồng thời họ cũng có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành mỹ phẩm.
5. Báo cáo của CIR cung cấp thông tin rất chi tiết, toàn diện
Tất cả các báo cáo của CIR đều đi theo một form mẫu cụ thể và chi tiết. Các thông tin được truyền tải một cách kỹ lưỡng từ tổng quát đến chuyên sâu. Cụ thể như sau:
- Mục giới thiệu: CIR sẽ cung cấp định nghĩa và cấu trúc phân tử của thành phần, tiếp đến sẽ là những tính chất vật lý và hóa học của thành phần đó. Bên cạnh đó còn có thêm sự xuất hiện của phương pháp sản xuất ra hoạt chất.
- Sử dụng: CIR sẽ cung cấp thông tin cách sử dụng sản phẩm theo hai trường hợp là sử dụng trong mỹ phẩm và phi mỹ phẩm.
- Nghiên cứu độc học, độc tính: tại đây bạn sẽ thấy CIR đã mô tả và đánh giá thành phần dựa trên nhiều thí nghiệm khác nhau ví dụ như nghiên cứu trong ống nghiệm, các tác động lên da, khi hít vào, nuôi cấy tế bào, có ảnh hưởng đến sinh sản hay không….
- Nghiên cứu về khả năng kích ứng da, kích ứng mắt.
- Nghiên cứu dịch tễ học: đây là nơi mà CIR cung cấp thông tin liên quan đến khả năng gây ung thư, các phân tích chuyên sâu liên quan đến những tác dụng phụ mà hoạt chất có thể gây ra.
Bạn có thể xem chi tiết format báo cáo của CIR tại đây
6. Có các báo cáo chuyên sâu, nền tảng
Ngoài những tài liệu liên quan đến nghiên cứu từng thành phần, từng hoạt chất thì CIR còn sở hữu nhiều dữ liệu chuyên sâu cho từng lĩnh vực cụ thể như sau:
- Báo cáo về Dịch tễ học thuốc nhuộm tóc
- Tài liệu nguồn về phơi nhiễm hô hấp
- Hoạt động nội tiết
- Tài liệu về da trẻ sơ sinh
Cách tra cứu thành phần mỹ phẩm trên website của CIR
Website của CIR được thiết kế tối giản, thân thiện với người dùng và rất dễ tìm kiếm thông tin. Tất cả báo cáo, thông tin, danh mục hoạt chất được đều viết bằng tiếng anh và được chia theo từng tệp tin cụ thể nên sẽ rất dễ để tìm và đọc thông tin.
Khi truy cập vào trang web bạn có thể tra cứu các thành phần riêng lẻ theo chữ cái và theo tên của thành phần. Sau khi click chuột vào bất kì thành phần nào đó sẽ có một báo cáo hiện ra, tại đây chứa thông tin giới thiệu thành phần, cấu trúc phân tử, độc tính (nếu có), …..Chi tiết bạn có thể thực hiện 2 cách tra cứu như sau:
Cách 1: Tra cứu theo từng thành phần riêng lẽ
Bước 1: Truy cập vào https://www.cir-safety.org/ , sau đó chọn trường “INGREDIENT“. Màn hình hiện ra như bên dưới :
Bước 2: Tại dòng “Ingredient Name” bạn gõ thành phần mà mình muốn tìm kiếm và nhấn “Search“. Thí dụ gõ “retinol” và nhấn Search, màn hình hiện ra kết quả tra cứu như sau:
Bước 3: Click vào “retinol” để cho ra các dữ liệu về thành phần này, sau đó chọn file PDF dữ liệu bạn muốn tham khảo, như hình bên dưới
Cách 2: Tra cứu theo danh mục sẵn có
Bên cạnh cách tra cứu theo thành phần riêng lẻ thì CIR cũng chia các hoạt chất theo từng danh mục nhỏ để người dùng dễ tìm kiếm. Ví dụ như thành phần an toàn, thành phần không khuyến khích dùng, thành phần bị cấm,… Không chỉ là các thành phần dùng cho chăm sóc da mà sẽ có cả những tài liệu liên quan đến hoạt chất trong làm tóc hoặc hoạt chất có ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Sau khi click vào các tài liệu bạn sẽ thấy một bảng thống kê được chia thành các cột cơ bản và quan trọng nhất là cột số 1 và 3. Cột đầu tiên là tên hoạt chất, cột thứ ba sẽ cung cấp kết luận về mức độ an toàn của hoạt chất đó và công khai căn cứ kết luận (ví dụ tên tổ chức hoặc tên nguồn dữ liệu mà CIR dựa vào để đánh giá).
CIR mang đến lợi ích thực tế gì?
Nhờ vào hàng loạt những tài liệu được nghiên cứu chuyên sâu, người tiêu dùng, doanh nghiệp mỹ phẩm, các beauty blogger có thể tìm kiếm và tra cứu thông tin về các hoạt chất được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm (bao gồm chăm sóc da và tóc). Dữ liệu được chia từng nhóm cụ thể nên bạn cũng dễ dàng xem và đối chiếu với bảng thành phần được công bố bởi các thương hiệu mỹ phẩm.
Lưu ý: CIR không đánh giá một sản phẩm mỹ phẩm cụ thể mà chỉ đánh giá các hoạt chất một cách độc lập và riêng lẻ. Không có sự liên kết giữa các chất và cũng không có tác động bởi các tổ chức khác khiến kết luận bị ảnh hưởng.
Những hạn chế đối với CIR
Bên cạnh những lợi ích mà CIR mang đến cho người tiêu dùng và những ai đang trong quá trình nghiên cứu thì với vai trò là một người dùng trải nghiệm tính năng này, mình nhận thấy đánh giá CIR vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Khi muốn tra cứu thang điểm của một chất trên website của CIR thì bạn sẽ phải tìm kiếm trong một danh sách rất dài, điều này sẽ khá tốn thời gian và đôi khi gây nhầm lẫn vì có nhiều chất có tên khá giống nhau.
- Một thành phần sẽ được đánh giá nhiều lần qua các năm và kết quả cũng có sự khác biệt, bạn phải xem xét đến kết quả của lần đánh giá gần nhất, dữ liệu trước đây chỉ mang tính chất tham khảo.
- Trong dữ liệu về các thành phần của CIR sẽ rất ít xuất hiện của các loại chiết xuất thiên nhiên, ví dụ như chiết xuất của một loại quả hoặc một loại rễ cây nào đó.
- Giới hạn kết quả đánh giá của thành phần chỉ ở một nồng độ nào đó trong mức đánh giá, không bao gồm việc đánh giá toàn bộ nồng độ thành phần hoặc một sản phẩm cụ thể nào.
- Thang điểm đánh giá phức tạp, không đơn giản hoá theo mức độ an toàn để cho người dùng dễ dàng nắm bắt. Điều này đã được Beaudy.vn quy đổi thang điểm trong bảng thông tin thành phần nhằm giúp bạn dễ dàng nhận biết hơn.
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này, nếu có bất cứ yêu cầu hoặc thắc mắc gì thì hãy để lại bình luận bên dưới để chúng mình hiểu nhau hơn nha! Và cuối cùng, đừng quên ghé thăm Beaudy.vn mỗi ngày để cập nhật những kiến thức làm đẹp và xu hướng thời trang mới nhất nhé!
bài viết rất chi tiết về Cosmetic Ingredients Review, giúp mình hiểu hơn về tổ chức này, cảm ơn beaudy